Những điều bạn cần biết để bảo vệ môi trường khi đi du lịch biển
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Môi trường Liên Hợp Quốc, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 thế giới với 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm, chiếm 6% toàn thế giới. Một phần không hề nhỏ trong số này đến từ nhanh công nghiệp du lịch biển. Vì thế, hãy trở thành một khách du lịch có ý thức bằng cách lưu ý những cách góp phần bảo vệ môi trường biển xanh – sạch - đẹp sau đây.
Không sử dụng ống hút nhựa
Bên cạnh túi ni lông, ống hút nhựa được liệt vào loại chất thải khó phân hủy được thải ra môi trường nhiều nhất. Ước tính mỗi ngày có hàng trăm triệu ống hút nhựa bị vứt bỏ và kết thúc “vòng đời” ngắn ngủi của mình như mọi loại nhựa dùng một lần khác: bị ném xuống đất, đổ xuống sông, suối rồi tràn ra đại dương. Ống hút nhựa tưởng chừng như một vật dụng tiện lợi với con người lại là một mối đe dọa nghiêm trọng tới môi trường, đặc biệt là các loại sinh vật biển. Vì vậy nếu có thể, hãy mang theo từ nhà ống hút kim loại cá nhân hoặc sử dụng các loại ống hút được sản xuất từ thành phần thiên nhiên có thể phân hủy.
Hãy nói KHÔNG với ống hút nhựa
Vứt rác đúng nơi quy định
Tưởng chừng đây là điều tất lẽ dĩ ngẫu phải làm ấy vậy mà vẫn còn có nhiều người thiếu ý thức thả rác xuống ngay chỗ mình đứng, không cần biết rằng nếu mỗi người khách du lịch xả một mẩu rác thôi, điểm đến đẹp mà họ đang tận hưởng sẽ ngay lập tức trở thành một bãi rác khổng lồ. Vậy nên, dù chỉ là một hành động nhỏ, thay vì xả rác bừa bãi vì lý do không tìm thấy nơi vứt, hãy gom rác vào một chiếc túi và mang theo người cho tới khi tìm được thùng rác.
Mang bình đựng nước cá nhân
Mỗi phút trôi qua lại có hơn một triệu chai nhựa dùng một lần được bán ra trên toàn thế giới, và phần lớn trong số đó sẽ bị vứt bỏ ngay sau khi sử dụng và mất hơn 1000 năm để phân hủy. Một phần trong số nhựa thải này sẽ bị sóng đánh vỡ ngoài đại dương, trở thành thức ăn độc hại cho các loài chim biển, sinh vật biển và hủy hoại nội tạng chúng từ bên trong. Sử dụng bình nước cá nhân vừa bảo vệ an toàn vệ sinh cho chính bạn, vừa có thể bảo vệ sự sống cho môi trường. Trong trường hợp hy hữu, hãy nhớ bỏ chai, lọ đã qua sử dụng vào đúng nơi quy định để tái chế.
Sử dụng túi vải đựng đồ thay vì túi ni lông
Một nghìn tỉ túi ni lông đã qua sử dụng sẽ bị thải ra môi trường mỗi năm, giết chết 100.000 động vật biển và hơn một triệu con chim biển khi chúng nuốt vào bụng hoặc bị kẹt. Vì vậy giải pháp tốt nhất là bạn nên chuyển sang sử dụng tote bag (túi vải) cá nhân để đựng đồ thay vì sử dụng nhiều túi ni lông cho mỗi món đồ bạn mua.
Túi vải vừa tiện dụng lại thân thiện với môi trường
Gọi đồ ăn vừa đủ
Dẫu biết rằng kỳ nghỉ là lúc chúng ta được xả hơi, ăn uống no say nhưng vẫn cần chú ý tới việc gọi món vừa đủ để tránh việc lãng phí, vứt bỏ đồ ăn thừa. Không tính đến việc hàng triệu con người trên trái đất vẫn đang vật lộn từng ngày để kiếm miếng ăn, việc sản xuất ra thực phẩm cũng như tiêu hủy chúng cũng là quá trình cốt yếu góp phần vào việc thải khí nhà kính, làm thay đổi khí hậu. Vậy nên hãy chú ý tới việc mua đủ lượng đồ ăn cần thiết và sử dụng hết chúng bằng cách xác định chính xác số lượng người dùng bữa, ước chừng sức ăn của mình. Hoặc thay vì cách ăn mâm cao cỗ đầy mà người Việt Nam ta vẫn hay chuộng sử dụng - nguyên nhân chính gây lãng phí đồ ăn, hãy gọi đồ ra từ từ, ăn đến đâu gọi đến đấy, vì suy cho cùng, sao ta phải vội vã trong một chuyến đi du lịch thư giãn đúng không nào.
Hãy gọi thức ăn vừa đủ để tránh lãng phí bạn nhé