Nghệ thuật xin Sếp nghỉ phép “bách phát bách thành”

Nghệ thuật xin Sếp nghỉ phép “bách phát bách thành”

Dẫu biết rằng việc nghỉ phép là quyền lợi chính đáng của mỗi nhân viên, việc ngỏ lời với Sếp xin nghỉ đi du lịch vài ngày vẫn là điều nhiều người trong chúng ta ngần ngại, lo sợ. Nguyên nhân của những “nỗi sợ hãi” không hề đáng có này là do nhiều người bị tâm lý chưa hỏi đã sợ nhận câu từ chối hoặc lo lắng không ai trám vào vị trí của mình trong lúc vắng mặt. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để có một kì nghỉ phép đúng nghĩa, không cần bận tâm công việc.

1. Nắm rõ quy định của công ty:

Mỗi doanh nghiệp, công ty lại có quy định khác nhau về số ngày nghỉ cho phép và thủ tục cần làm trước khi nghỉ phép của nhân viên. Vì thế khi lên kế hoạch nghỉ phép, bạn cần hỏi rõ bộ phận nhân sự những vấn đề liên quan đến việc nghỉ phép của mình như tổng số ngày bạn đã nghỉ, tổng số ngày nghỉ phép còn lại, công ty có cho phép cộng dồn ngày nghỉ không, mỗi lần nghỉ được tối đa bao nhiêu ngày,… Nếu bạn mới làm việc ở công ty ( dưới 4 tháng), việc nghỉ phép sẽ khá nhạy cảm nên cần hỏi thật rõ ràng về điều kiện lương thưởng và nội quy riêng cho nhân viên mới. Sau khi nắm rõ các thủ tục cần làm, bước cuối cùng là gửi đơn xin nghỉ phép theo đúng chuẩn với những thông tin được cung cấp.

2. Tìm “cớ” nghỉ sao cho thuyết phục:

Dù bạn nghỉ vì lý do du lịch hay gì đi chăng nữa, có một cái cớ nghe sao chính đáng và “lọt tai” Sếp sẽ chiếm 80% thành bại của việc xin nghỉ. Nếu lý do của bạn thật sự chính đáng như nhà có ma chay, cưới hỏi thì bạn hoàn toàn có thể nói thẳng vấn đề của mình. Hay trong trường hợp sức khỏe của bạn không tốt, cần phải gặp bác sĩ hay ở nhà dưỡng bệnh thì nên gửi cho công ty đơn xin nghỉ kèm với giấy xác nhận của bệnh viện về tình trạng sức khỏe của bạn. Chắc chắn rằng sẽ chẳng có Sếp nào từ chối đơn xin nghỉ phép của bạn khi bạn có lý do thuyết phục, chính đáng.

Nghệ thuật xin Sếp nghỉ phép “bách phát bách thành” 1

Không Sếp nào có thể từ chối cho nhân viên nghỉ ốm

3. Bàn giao công việc cho đồng nghiệp:

Lý do chính khiến các quản lý e ngại khi cho nhân viên nghỉ phép là vì họ sợ ảnh hưởng đến tiến độ công việc của cả bộ phận hoặc không có ai thế chỗ nhân viên xin nghỉ. Vì vậy, trước khi nghỉ phép bạn hãy đàm phán với đồng nghiệp, bàn giao lại tất cả những phần bạn đang đảm nhiệm với những lưu ý công việc càng chi tiết càng tốt. Phương án tốt nhất là gửi cho đồng nghiệp thế chỗ một email bao gồm tất cả các mục việc đã làm, cần làm hoặc đang còn dang dở, cùng với các kế hoạch dự phòng được chuẩn bị sẵn như nếu có vấn đề hợp đồng với đối tác thì gặp ai giải quyết, thương lượng với khách hàng quen sao cho hiệu quả. Khi bạn chuẩn bị tỉ mỉ mọi vấn đề công việc trước khi xin nghỉ phép, chắc rằng Sếp sẽ rất hài lòng và dễ dàng bị thuyết phục.

Nghệ thuật xin Sếp nghỉ phép “bách phát bách thành” 2

Lưu ý bàn giao công việc thật chi tiết cho đồng nghiệp

4. Lựa chọn thời điểm phù hợp:

Bạn cần để ý sắc mặt và hành động của Sếp nhiều hơn thường ngày một chút. Nếu Sếp đang tỏ ra cáu giận, stress hay mệt mỏi căng thẳng trong đống công việc thì tốt nhất bạn nên “lánh” đi để nhắm vào thời điểm thích hợp hơn. Hãy tranh thủ lúc Sếp đang vui vẻ, rảnh rỗi để xin nghỉ, tâm trạng Sếp tốt thì bạn sẽ có cơ hội nhận được cái gật đầu cao hơn nhiều.

Nghệ thuật xin Sếp nghỉ phép “bách phát bách thành” 3

Đừng dại mà bày tỏ nguyện vọng nghỉ phép khi Sếp đang stress

Như vậy với vài điều cơ bản trên đây, bạn sẽ dễ dàng trở thành “nhân viên mẫu mực” trong mắt quản lý, Sếp nào mà nỡ từ chối lời đề nghị nghỉ phép của bạn. Chúc bạn thành công và có một kỳ nghỉ trọn niềm vui với gia đình và bạn bè nhé!

 

Queenhotel